CÙNG TÌM HIỂU VỀ KEM CHỐNG NẮNG VỚI TỚ NHÉ!!!
Chào mọi người! Tớ đã trở lại. Mùa hè thì cũng đến được cả tháng nay rồi mà tớ chưa up được bài nào về kem chống nắng cả. Cơ bản là tớ muốn viết các bài theo trình tự trong quy trình dưỡng da nhưng thực sự không đủ thời gian. Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn những năm trước, vừa mới đầu mùa đã rất rát như nắng tháng 6 vậy. Đây cũng là một trong những lý do mà mọi người mau chóng đi kiếm ngay một em kem chống nắng đúng không ạ. Vậy nên, để đi cùng mùa hè nóng nực như thế này (thực chất hơi muộn ạ!) tớ xin làm một series về kem chống nắng.
Bài mở đầu cho series này, tớ sẽ nói về kiến thức chung và một số thông tin về kem chống nắng. Trước khi sử dụng một sản phẩm thì ngoài việc đọc các review thì tớ hay có sở thích đi tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử của những loại mỹ phẩm ấy, sau đó nắm bắt được một các thông số liên quan đến sản phẩm. Bài khá dài nên tớ sẽ bắt đầu luôn nhé!
I. TẠI SAO PHẢI CHỐNG NẮNG?
NẮNG! Nói đến đây ai cũng nghĩ đến mùa hè, nắng rất đẹp, nắng tạo điều kiện cho ta có các hoạt động ngoài trời, nắng giúp ta có những kiểu ảnh thật đẹp, nắng lên là lúc ta muốn du lịch, nghỉ mát, nắng tạo cảm giác thoải mái cho con người khi không phải mặc những bộ đồ dày bịch, cũng chẳng phải lo lắng đồ đạc, quần áo ẩm mốc giặt mãi không khô. Nắng đẹp là vậy, nhưng nắng lại đem lại cho con người ta cái cảm nóng rát, mồ hôi nhễ nhại. Và hơn nữa, trong nắng vàng đẹp đẽ ấy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Trong ánh nắng mặt trời ngoài mang nhiệt độ còn có một loại tia mà người ta vẫn hay gọi là tia UV hay tia cực tím. Cái cách gọi tia cực tím thực chất là không đủ, nó chỉ nói lên thành phần gây hại đến sự sống trong nắng thôi ạ. Thực chất UV được viết tắt của từ ultraviolet nghĩa là tia tử ngoại và tia cực tím. Tia UV có thể được phân loại ra thành 3 loại: UVA, UVB, UVC. Nhưng tác nhân chủ yếu gây hại đến làn da là UVA và UVB. Tia UVC là sản phẩm phản ứng của hai loại tia trên.
- UVA: là tia có bước sóng từ 315-400 nm, mắt thường không thể nhìn thấy được. Thời gian hoạt động của tia UVA: từ trước 10h sáng cho đến sau 2h chiều chiếm 99% lượng tia UV chiếu xuống mặt đất và từ 10h sáng đến 2h chiều chiều 95% lượng tia UV chiếu xuống mặt đất. UVA là nguyên nhân gây lão hóa da, nó tấn công qua lớp hạ bì da gây tổn thương da, viêm da hoặc ung thư da... về lâu về dài UVA có khả năng làm mất miễn dịch cơ thể. Tia UVA xuyên qua các lớp quần áo mỏng, kính ô tô. Vì vậy, cần che chắn và sử dụng kem chống nắng cẩn thận khi ra ngoài.
- UVB: là tia có bước sóng 280-315 nm. Thời gian hoạt động: từ trước 10h sáng đến sau 2h chiều chiếm 1% lượng tia UV chiếu xuống, từ 10h sáng đến 2h chiều chiếm 5% lượng tia UV chiếu xuống. Tia UVB chỉ chiếm thành phần ít ỏi trong lượng tia UV chiếu xuống mặt đất do bị tầng ozon cản lại. Ngày nay, do ô nhiễm môi trường và tình hình khí hậu nóng lên đã làm cho tầng ozon bị mỏng đi ngày một nhiều, dẫn đến lượng tia UVB chiếu xuống mặt đất ngày càng nhiều hơn. Tia UVB là tác nhân gây sạm da, đen da, cháy nắng. Nó kích thích sự hoạt động của sắc tố melanin và sắc tố đỏ làm cho da bị nóng rát, ửng đỏ, thậm chí là phỏng rộp sau khi tiếp xúc với ánh nắng; nó cũng là nguyên nhân làm da bị đen đi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. UVB cũng là một thành phần giúp cơ thể hấp thụ vitamin D nhưng chỉ thực sự tốt vào sáng sớm và chiều muộn.
Tóm lại, từ những tác hại trên đây thì việc chống nắng là một điều thiết yếu mà ai cũng cần phải thực hiện.
II. KEM CHỐNG NẮNG LÀ GÌ?
Kem chống nắng là một loại mỹ phẩm với rất nhiều loại texture (kết cấu) khác nhau cùng với hai cơ chế vật lý hoặc hóa học để bảo vệ khỏi sự tác động của môi trường và ánh nắng mặt trời đặc biệt là tia UVA và UVB. Bản thân các sản phẩm chống nắng có chứa cồn và không có thành phần dưỡng da, việc sản xuất kem chống nắng của các nhà sản xuất ban đầu chỉ chú trọng vào việc tạo ra sản phẩm chống nắng thật hiệu quả nên khi dùng các sản này thường làm khô da. Ngày nay, các sản phẩm chống nắng đã được tích hợp thêm các tính năng dưỡng ẩm, ngăn tiết dầu thừa.... đã được sản xuất rộng rãi.
III. PHÂN LOẠI KEM CHỐNG NẮNG
- Theo kết cấu có thể chia kem chống nắng thành các loại sau: kem chống nắng (sun cream), sữa chống nắng ( sun milk), chống nắng dạng xịt (sun spray), tinh chất chống nắng ( sun essance)....
- Theo cơ chế chống nắng chia kem chống nắng thành hai loại: chống nắng vật lý và chống nắng hóa học.
+ Chống nắng vật lý (Sunblock): là loại sản phẩm chống nắng hoạt động theo cơ chế như một chiếc khiên che chắn bảo vệ làn da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng chống nắng vật lý thường để lại một lớp trắng mỏng trên da. Do hoạt động cơ học như vậy nên khi thoa chống nắng không đủ thì các tia UVA, UVB vẫn có thể gây tổn hại cho da. Cũng do cơ chế hoạt động cơ học nên những sản phẩm chống nắng loại này thường nhẹ dịu và phù hợp với tất cả các loại da, ngay cả da nhạy cảm cũng được khuyên là dùng chống nắng loại này.
+ Chống nắng hóa học (Suncreen): là loại sản phẩm chống nắng có chứa các thành phần hóa học có khả năng phản ứng và hấp thụ lại các thành phần hóa học của tia UVA, UVB. Các sản phẩm loại này khi sử dụng lên da không để lại những vệt trắng như chống nắng vật lý. Do có các thành phần để phản ứng và hấp thụ lại tia UV nên loại kem này sẽ dễ gây kích ứng cho những người có làn da nhạy cảm.
IV. CHỈ SỐ CHỐNG NẮNG
* Chỉ số SPF ( sun protection factor) là chỉ số biểu thị khả năng chống nắng của sản phẩm có thể phát huy. Chỉ số chống nắng cao hay thấp biểu thị mức độ bảo vệ da mạnh hay yếu, thời gian một người có thể phơi nắng trước khi bị cháy nắng là dài hay ngắn. Chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da càng tốt. Thời gian bảo vệ da của chỉ số SPF:
- SPF 5: 50 phút. Phải bôi kem lại sau mỗi 30 phút. - SPF 15: 150 phút hay 2,5h. - SPF 30: 300 phút hay 5h. - SPF 50: 500 phút. - SPF 90: 900 phút hay 15h. Tuy nhiên, trên thực tế, do tác động của yếu tố bên ngoài nên kem chống nắng chỉ có hiệu quả từ 40-60% thời gian bảo vệ da. * Chỉ số PA( Protect grade) nghĩa là có khả năng lọc tia cực tím UVA. - PA+: Khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA từ 40-50%. - PA++: Khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA từ 60-70%. - PA+++: Khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA khoảng 90%.
Nhìn vào hình ảnh trên mọi người có thể thấy được khả năng bị cháy nắng khi sử dụng chống nắng ở các chỉ số khác nhau. Ở thời tiết của Việt Nam vào những ngày hè, ít nhất phải chọn chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên và PA++. Mọi người nên chọn kem chống nắng phổ rộng (Broad spectrum) nghĩa là có thể chống được cả tia UVA và UVB.
V. KHI NÀO DÙNG SẢN PHẨM CHỐNG NẮNG?
Nhiều người lầm tưởng rằng, chỉ cần sử dụng các sản phẩm chống nắng lúc trời có nắng, nhưng thực sự ngay cả khi trời mưa những tia UVA và UVB vẫn chiếu xuống da chúng ta, nên mọi người nên sử dụng kem chống nắng vào bất cứ thời điểm nào vào ban ngày nhé.
Một lưu ý, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng kem chống nắng dành cho bé để bảo vệ làn da của những thiên thần bé nhỏ nhé.
Chống nắng là bước cuối cùng của dưỡng da và là bước đầu tiên của trang điểm.
VI. LỊCH SỬ KEM CHỐNG NẮNG HÓA HỌC
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên để ngăn ngừa và chống lại cái nóng rát của ánh nắng. Đa số các sản phẩm ấy đều là dầu thực vật được chiết xuất từ các loại cây khác nhau. Ngoài ra, còn có các chất được chiết xuất từ những loại thực vật khác. Ví dụ, người Hy Lạp cổ đại đã biết sử dụng dầu oliu, người Ai Cập dùng những chất được chiết xuất từ gạo, hoa nhài, cây pulin mà ngày nay được sử dụng rộng rãi trong dưỡng da để chống nắng. Tớ cũng có sưu tầm thêm được một chút thông tin về chỉ số chống nắng của các loại dầu thực vật như sau:
+ Dầu hạt Raspbery đỏ (mâm xôi đỏ) (spf 30-50)
+ Dầu hạt cà rốt (spf 30)
+ Dầu mâm lua mì (spf 20)
+ Dầu mù u (spf 20)
+ Dầu hazelnut (spf 15, được sử dụng rộng rãi trong các kem chống nắng thiên nhiên hoặc là thành phần chống nắng trong kem dưỡng da, hoặc son dưỡng môi)
+ Dầu đậu nành (spf 10)
+ Shea butter (Bơ Shea) (spf 10)
+ Dầu ôliu (spf 7)
+ Dầu thầu dầu (dầu castor) (spf 6)
+ Dầu hạnh nhân (spf 5)
+ Dầu jojoba (spf 4)
+ Bơ chưa tinh chế (spf 4-15)
+ Dầu dừa (spf 2-8)
Kem chống nắng hóa học đâu tiên được sử dụng vào năm 1928, nhưng mãi đến năm 1936 sản phẩm chống nắng thương mại lớn đầu tiên mới được đưa vào thì trường, mà người giới thiệu sản phẩm này đến với thị trường không ai khác chính là các nhà sáng lập nên tập đoàn L'Oreal, nhà khoa học người Pháp Eugène Schueller. Cũng khoảng thời gian đó, kem chống nắng hóa học Hamilton đến với thị trường Úc và được phát triển bởi nhà hóa học HA Milton Blake.
Một trong những tuýp kem chống nắng được cho là có hiệu quả đầu tiên được sáng chế vào năm 1938, bởi nhà hóa học người Thụy Sĩ Franz Greiter. Ông đặt tên cho sản phẩm của mình là Gletscher Crème hoặc Glacier ceam. Công thức của kem chống nắng khi đó có chỉ số chống nắng bằng 2 ở hiện tại, được lựa chọn bởi công ty Piz Buin, tên một ngọn núi mà ông đã bị cháy nắng lâng đầu tiên và ông cũng lấy cảm hứng từ việc cháy nắng này để đặt tên cho công ty.
Tiếp sau đó, vào thế chiến thứ II, phiên bản kem chống nắng nổi tiếng tiếp theo được ra đời. Khoảng năm 1944, khi Benjamin Green - một phi công phục vụ cho quân đội Mỹ và sau này là một dược sĩ nghiên cứu một loại kem có thể chống cháy nắng cho các binh sĩ ở Thái Bình Dương. Loại kem này ban đầu có màu đỏ, được làm từ mỡ (được làm từ dầu hỏa để bôi trơi), có mùi khá khó chịu và rất bết dính, nó dính hết lên quần áo và rất nhờn, hơn nữa, màu sắc này thực sự không hợp với màu da của những người Châu Mỹ. Sau một vài năm, ông đã giới thiệu một phiên bản mới, được trộn tự bơ cacao và dầu dừa, kết quả có khả quan hơn và giúp ông mua được bằng sáng chế từ những năm 50. Sau đó, ông giới thiệu công thức Coppertone, là công thức cơ bản trong các kem chống nắng thời hiện đại. Với công thức này, kem chống nắng có màu trắng, mùi thơm nhẹ.
Càng ngày càng loại kem chống nắng càng sở hữu chỉ số chống nắng cao hơn và có hiệu quả hơn. Việc tích hợp thêm các tính năng khác vào kem chống nắng cũng được chú ý như: cung cấp ẩm (moisturier), kiềm dầu (no sebum), chống nước (waterproof)....
Khi tìm hiểu về một loại mỹ phẩm nào đó một cách cặn kẽ, mọi người sẽ thấy được những câu chuyện thú vị liên quan đến sản phẩm đó. Tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc của mỹ phẩm cũng là một cách để "uống nước nhớ nguồn" và cảm ơn những người đã mang những sản phẩm kì diệu đến cho chúng ta. Thế giới mỹ phẩm bao la này rất thú vị, chứa đựng những điều kì diệu mà tất cả mọi người sẽ tìm thấy khi quan tâm đến nó.
LOVE ALL!
0 nhận xét: